Người đăng: Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Quảng Nam .Ngày đăng: 09/03/2021 .Lượt xem: 528 lượt. |
Đam mê, nhiệt huyết, đồng cảm, luôn trách nhiệm và hết lòng với nghề,… đó là những cảm xúc, chia sẻ đầy xúc động từ các đồng nghiệp cũ tại khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam khi nói đến cựu bác sỹ Nguyễn Thị Kiều Trinh – người đã gắn bó với chuyên ngành Sản phụ khoa hơn 30 năm,… Và cho đến khi về hưu, chị vẫn không ngừng cống hiến và “truyền lửa” nghề cho những thế hệ sau này. Những năm tháng khó quên… Tốt nghiệp năm 1988, đến tháng 1/1989, bác sỹ Nguyễn Thị Kiều Trinh bắt đầu nhận nhiệm vụ tại khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, có không ít lần bác sĩ Kiều Trinh cùng đồng nghiệp đã cứu sống thành công nhiều trường hợp thai phụ, sản phụ vượt qua cơn nguy kịch. Bs Kiều Trinh và ekip đang thực hiện mổ lấy thai cho một sản phụ Chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện với bác sỹ Kiều Trinh, khi nhắc đến những câu chuyện nghề, chị say sưa kể,… đó là một buổi tối, lúc chị đang dùng bữa cơm cùng gia đình thì nhận cuộc gọi từ cơ quan, một thai phụ nhau bong non, thai chết, mạch không, huyết áp không, được chuyển từ một bệnh viện tuyến huyện. Bs Kiều Trinh tâm sự: “Khi đó, ngay lập tức sản phụ được đưa lên bàn mổ cấp cứu để bảo tồn tử cung, thắt động mạch tử cung 2 bên, bệnh nhân mất máu nhiều nên vừa mổ, vừa truyền máu để chống thiếu máu và tăng yếu tố cầm máu. Bệnh nhân được cứu sống, cả ekip mổ chúng tôi nhìn nhau mừng rỡ. Gia đình bệnh nhân bày tỏ lòng biết ơn chúng tôi, lúc đó tôi thấy mình đã làm được những điều ý nghĩa, xứng đáng với nghề mình đã chọn.” Niềm vui của người thầy thuốc là vậy, cứu sống được bệnh nhân chính là động lực để họ có niềm tin vững chải với nghề. Ông bà ta thường ví rằng “cửa sinh là cửa tử”, chỉ có khi được chứng kiến, được nếm trải mới biết được những nỗi khổ, vất vả của người phụ nữ. Hiểu và thấu cảm được những khó khăn của người phụ nữ khi “vượt cạn”, nữ bác sỹ Kiều Trinh đã quyết tâm theo nghề này, để được cùng họ vượt qua những đau đớn, nguy hiểm và cùng họ chào đón những đứa con khỏe mạnh, “mẹ tròn con vuông”. Đáng nhớ nhất là hình ảnh một sinh linh nhỏ bé vừa mới ra đời đã bị cắt cụt cả chân và bộ phận sinh dục, nhưng như có một sức mạnh vô hình tiếp sức cho đứa trẻ vượt qua được nỗi đau thể xác, vết thương không bị nhiễm trùng nặng nề như tiên lượng. Và đúng vào ngày đầy tháng, cái tên chú lính chì dũng cảm Thiện Nhân đã được các bác sĩ Khoa Phụ Sản đặt cho cậu bé với mong muốn con lớn lên sống đúng nghĩa của một con người tâm thiện. Chúng tôi may mắn được tìm gặp lại người trong cuộc, đó là một trong những thai phụ xuất hiện trong những câu chuyện mà bác sỹ Trinh kể lại, thai phụ P.T.L đã được bác sỹ Trinh và ekip mổ cứu sống trong dịp tết Nguyên Đán năm 2020. Thai phụ P.T.L tâm sự: “Các bác sĩ ở đây đã cứu sống mẹ con tôi, không có họ thì tôi và con đã không còn nữa. Không biết dùng từ nào để diễn tả hết những cảm xúc khi vượt qua cửa tử. Các bác sỹ đã động viên và cùng tôi vượt qua cơn nguy kịch. Tôi mang ơn họ nhiều lắm” Khi kể về những đồng nghiệp của mình, chị Kiều Trinh chia sẻ: “Tôi đã từng chứng kiến những cảnh đầy cảm xúc khi các đồng nghiệp của tôi đã giành chiến thắng tử thần để giành lại tấm vé hồi sinh cho một sản phụ mổ nhau tiền đạo ngưng tim trên bàn mổ. Người cho máu, kẻ xoa bóp tim ngoài lồng ngực và sau khi tiêm hơn 150 ống Adrenalin, nhịp tim sản phụ đã trở lại. Chúng tôi lo lắng từng giờ, từng phút trong khoảng 30 tiếng đồng hồ để chờ đợi sự trở lại các dấu hiệu sinh tồn và chức năng sống của sản phụ. Ba ngày sau, sản phụ được cai máy thở, đứa trẻ được nhận những giọt sữa đầu tiên từ bầu sữa mẹ. Những giọt nước mắt sung sướng xen lẫn nụ cười mãn nguyện của người thân sản phụ đã làm cho chúng tôi cảm thấy hạnh phúc trào dâng”. Có tận mắt chứng kiến mới thấy được hết những nỗi vất vả của các bác sỹ sản phụ khoa trải qua. Họ làm việc không kể ngày đêm, có những lúc, ổ bánh mì mang theo từ sáng cho đến trưa, rồi những bữa cơm trưa kéo dài qua tận 1,2 giờ chiều, miếng cơm cũng vội vã kèm những tiếng thở dài, thở dốc vì bệnh đông hay bệnh khó. Nhưng, bác sỹ Kiều Trinh cùng những đồng nghiệp của mình vẫn luôn cố gắng hết sức và mong muốn mang lại cho bệnh nhân, những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân. Tháng 01/2021 vừa qua, chị nhận được quyết định nghỉ theo chế độ, nhưng vì khoa thiếu người, thế hệ kế cận còn quá trẻ, chị được bệnh viện mong muốn ở lại hỗ trợ công tác chuyên môn. Mặc dù bao nhiêu dự định đang chờ chị, nhưng chị không nỡ lòng từ chối, vì hơn ai hết, chị hiểu ngành Phụ Sản là một chuyên ngành nhạy cảm bởi các tai biến sản khoa luôn rình rập, và điều quan trọng nhất là “ngọn lửa” nghề trong chị vẫn cháy mãi trong chị. Bác sỹ Trinh cho hay: “Vì lo với nỗi lo của sản phụ và người nhà trong hành trình vượt cạn nên tôi ở lại hỗ trợ đội ngũ bác sĩ trẻ trong công tác chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng mình đã gặp để giúp họ tự tin hơn trong xử trí cấp cứu sản khoa”. Nói về người lãnh đạo vừa là đồng nghiệp của mình, bác sĩ Nguyễn Thế Tuấn – Khoa Phụ Sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết: “Bác sĩ Trinh là người đầu tàu tâm huyết với nghề, vững vàng trong chuyên môn, giàu y đức. Người luôn truyền lửa, dìu dắt chúng tôi về chuyên môn trong điều trị nội khoa lẫn phẫu thuật, tạo được niềm tin của người bệnh và sự tin yêu của đồng nghiệp”. Vững chuyên môn, giàu y đức
Khi còn đương nhiệm vai trò lãnh đạo khoa, chị thường xuyên cập nhật kiến thức và thực hành trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh như chăm sóc sơ sinh thiết yếu bằng phương pháp da kề da, triển khai thành công mô hình phòng sinh thân thiện, giảm tỷ lệ mổ lấy thai so với các bệnh viện cùng tuyến trong cả nước, từng bước đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành 1 trong 5 bệnh viện đầu tiên trong cả nước năm 2019 đạt danh hiệu BV tỉnh nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc. Đặc biệt, việc thành lập Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh Quảng Nam bảo đảm 100% trẻ sinh ra đủ tháng hay non tháng đều được hưởng nguồn dinh dưỡng quý giá của sữa mẹ. Chị là người đặt nền móng, xây dựng khoa Phụ sản thành khoa phòng “lấy người bệnh làm trung tâm”, thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh, là khoa phòng cam kết thực hiện tốt y đức, “nói không với phong bì”, tạo niềm tin và đem lại uy tín cho bệnh viện. Những năm qua, chị là thành viên trong Ban chấp hành công đoàn cơ sở của bệnh viện và Ban chấp hành công đoàn ngành y tế. Chị luôn thay đổi sáng tạo trong các hoạt động như tổ chức các hội thi tiểu phẩm về quy tắc ứng xử, phong trào tái chế rác thải nhựa, phong trào nữ công gia chánh. Tận dụng nguồn kinh phí thu được từ tổ chức bán đấu giá gây Quỹ từ thiện tại bệnh viện, chị vận động đoàn viên công đoàn tổ chức phát cháo tình thương cho bệnh nhân. Là thành viên trong Ngân hàng máu sống của bệnh viện, chị sẵn sàng hiến máu để cứu sống bệnh nhân, bởi chị luôn nhắn nhủ đồng nghiệp của mình “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Chị là người tiên phong, đi đầu trong các hoạt động thiện nguyện tại cộng đồng như khám sức khỏe miễn phí và tặng quà cho đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa,… Với trái tim nhân hậu và tình yêu thương con trẻ, hằng tháng, chị ghé thăm Làng Hòa Bình và trại trẻ mồ côi xã Tam Đàn để động viên, chia sẻ những mảnh đời bất hạnh, trận quý chị, trẻ em từ cơ nhỡ đến khuyết tật ở đây đều gọi chị là “mẹ Trinh” đầy yêu thương. Chị tự nguyện trích một khoản tiền tiết kiệm hàng tháng để thăm nuôi một cụ già ở xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình. 32 năm gắn bó với nghề, trải qua nhiều áp lực, vất vả của nghề Y nhưng bác sỹ Kiều Trinh luôn giữ được sự nhiệt huyết, tận tâm, yêu nghề. Những cống hiến của bác sỹ Trinh thật đáng trân trọng, không chỉ là một bác sĩ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, giàu về y đức mà còn là một tấm gương sáng cho những lớp trẻ tiếp bước, noi gương. Ánh Minh |
Nguồn tham khảo:
Đang cập nhật!