Rùa núi viền được liệt kê vào hạng V trong Sách Đỏ Việt Nam – nhóm động vật nguy cấp đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hãy cùng tìm hiểu về đặc điểm, tập tính, môi trường sống và những phương pháp để bảo tồn loài rùa này qua bài viết sau.
Nội dung chính trong bài
Tìm hiểu chung về rùa núi viền
Rùa núi viền có tên khoa học là Manouria Impressa, thuộc họ rùa cạn Testudinidae. Loài rùa này sinh sống trong các khu rừng ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Năm 2000, tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới đã đưa rùa núi viền vào sách đỏ IUCN. Loài động vật này cũng được liệt kê vào hạng V trong Sách Đỏ Việt Nam – nhóm động vật bị đe dọa có nguy cơ tuyệt chủng.
Chính vì thế, người dân không được nuôi nhốt, buôn bán trái phép loài động vật này. Tất cả hành vi săn bắt, buôn bán hoặc làm hại đến rùa núi viền đều sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Nếu phát hiện hoặc bắt được cá thể rùa núi viền thì bạn đọc cần thông báo hoặc giao nộp cho cơ quan chức năng để thả chúng về với môi trường sống trong tự nhiên.
Đặc điểm nhận biết rùa núi viền
Loài động vật này là một trong những loài rùa cạn có hình dạng và màu sắc bắt mắt nhất trên thế giới hiện nay.
So với các loài rùa rừng Châu Á thì loài rùa này là loài động vật có kích thước và cân nặng trung bình.
Rùa núi viền có mai dài khoảng từ 180 – 206mm, không gồ quá cao và những tấm vảy ở giữa phẳng. Trên mai của chúng thường có màu vàng đậm và được chia thành các vảy có viền màu đậm. Xung quanh viền mai có những gai hình răng cưa nhọn và hơi cong lên.
Cũng như các loài rùa khác, mai của rùa núi viền rất cứng và một bộ phận không thể thiếu để chống sự tấn công của kẻ thù.
Đầu của loài rùa này có màu vàng và nhiều tấm sừng ở bên trên. Một số rùa núi viền có miệng màu hồng nhạt. Phần giữa của yếm dưới bụng phẳng, phía trước và sau thì có những vết lõm hình chữ V.
Các chân của rùa núi viền có hình trụ, da màu vàng đậm và có các vảy đen. Do là loài rùa cạn nên giữa các ngón chân của chúng không có màng da.
Những đặc điểm trên khiến cho loài rùa này dễ bị nhầm lẫn với một số loài rùa cạn khác như rùa núi vàng hay rùa núi nâu. Một cách để phân biệt rùa núi viền với các loài rùa cạn khác là dựa vào hình dạng và màu sắc của mai.
Tuy nhiên, rùa núi nâu có kích thước lớn hơn và màu sắc cũng đậm hơn rùa núi viền. Còn rùa núi vàng thì có mai có màu vàng nhạt hơn, mai gồ cao hơn rùa và xung quanh viền mai cũng không có những gai hình răng nhọn..
Phân bố và tập tính sinh sống của rùa núi viền
Rùa núi viền là một loài rùa sống trên cạn, nên nơi sinh sống của loài rùa này chủ yếu là ở các khu rừng miền núi. Nơi ở của chúng là các khe rãnh, thung lũng và dưới các lớp lá cây khô.
Những khu vực có nhiều cá thể rùa núi viền trên thế giới là miền nam Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Lào,… Những địa phương ở nước ta có nhiều loài rùa này là các tỉnh các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum và Lâm Đồng. Các khu vực có độ cao thấp hơn 2000m so với mực nước biển.
Loài động vật này hoạt động mạnh vào chiều tối còn ban ngày thì chúng trú trong các hang hốc. Rùa núi viền thường ăn các loại quả rụng, nấm và những mầm cỏ non,…
Về tập tính sinh sản, loài rùa này thường đẻ trứng vào tháng 5 hàng năm. Mỗi lần chúng đẻ được từ 4 – 5 trứng.
Thực trạng và biện pháp bảo tồn rùa núi viền
Loài rùa này được đưa vào danh sách những loài động vật bị đe dọa của IUCN năm 2000 và danh mục hạng V của Sách Đỏ Việt Nam. Số lượng của rùa đang giảm nhanh chóng với tỷ lệ 20% mỗi năm.
Tình trạng rùa núi viền bị săn bắt và buôn bán trái phép diễn ra ở nhiều nơi. Loài động vật này bị săn bắt để lấy thịt và làm dược liệu. Môi trường sống của động vật hoang dã bị thu hẹp do diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá.
Trong những năm gần đây, có rất nhiều vụ buôn bán rùa núi viền trái phép bị phát hiện và ngăn chặn. Nổi bật như năm 2010, kiểm lâm Quảng Ngãi đã phát hiện 19 cá thể rùa bị nuôi nhốt và chuẩn bị bán qua cửa khẩu. Tháng 7/2019, kiểm lâm Điện Biên cũng đã thu giữ và thả về tự nhiên 13 cá thể của loài rùa này.
Việc bảo tồn loài rùa này trở nên khó khăn hơn khi chúng chỉ tồn tại được trong môi trường tự nhiên. Nếu bị nuôi nhốt thì rùa núi viền chỉ sống được trong khoảng vài tháng và không có dấu hiệu sinh sản.
Rõ ràng, việc các tổ chức bảo vệ động vật đưa loài rùa núi viền vào danh sách bị đe dọa là chưa đủ để bảo vệ chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Cần phải tăng cường kiểm tra và ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép. Đồng thời, xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên để những loài động vật này có nơi sinh sống và phát triển.
Ngoài ra, cần phải tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về việc bảo vệ rùa núi viền và các loài động vật hoang dã. Đồng thời, không sử dụng các sản phẩm từ các loài động vật này.
Trong nỗ lực bảo vệ các loài động vật hoang dã, ngày 17 và 18 tháng 11 đã diễn ra Hội nghị Hà Nội về chống buôn bán động vật hoang dã trái phép. Hội nghị đã quy tụ các nhà lãnh đạo toàn cầu, họp bàn để tìm giải pháp xóa bỏ nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Trong Hội nghị này, báo cáo đã đưa ra những thống kê về chi phí tài trợ cho 1.105 dự án bảo vệ và bảo tồn động vật hoang dã trên 60 quốc gia từ năm 2010 đến 2016 là khoảng 1.3 tỷ USD. Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết về những thông tin này qua các bài viết:
- http://www.thegef.org/news/new-analysis-shows-scale-international-commitment-tackle-illegal-wildlife-trade-over-13-billion
- https://www.thegef.org/news/new-analysis-shows-scale-international-commitment-tackle-illegal-wildlife-trade-over-13-billion
- http://assembly.thegef.org/news/new-analysis-shows-scale-international-commitment-tackle-illegal-wildlife-trade-over-13-billion
- https://assembly.thegef.org/news/new-analysis-shows-scale-international-commitment-tackle-illegal-wildlife-trade-over-13-billion
Rùa núi viền là một loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hy vọng, qua bài viết này bạn đọc sẽ hiểu hơn về đặc điểm, tập tính và thực trạng nguy cấp của loài rùa này. Từ đó, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ chúng khỏi nạn buôn bán động vật trái phép.