Tê tê vàng là một loài động vật quý hiếm thuộc nhóm IIB và đang có nguy có tuyệt chủng. Hãy cùng tìm hiểu về ngoại hình, tập tính và những việc cần làm để bảo vệ loài động vật này qua bài viết sau.
Nội dung chính trong bài
Tìm hiểu thông tin về tê tê vàng
Tê tê vàng (còn được gọi là tê tê Trung Quốc) có tên khoa học là Manis pentadactyla. Đây là một trong những loài thuộc bộ tê tê sống chủ yếu ở bắc Ấn Độ, Nepal, Bhutan, miền nam Trung Quốc, Đông Dương,… Ở Việt Nam, tê tê vàng tập trung ở khu vực miền Bắc, miền Trung đến Lâm Đồng. .
Cùng với tê tê đất, kỳ đà vân, rùa núi viền,…thì loài tê tê vàng cũng là một trong những loài động vật bị đe dọa và cần được bảo vệ.
Đặc điểm nổi bật của loài sinh vật này là toàn thân được phủ một lớp vảy giống như vảy cá. Phần đầu của tê tê nhỏ và nhọn, phần thân phình to hơn và có cái đuôi dài.
Tê tê vàng trưởng thành có độ dài khoảng 40 – 58cm, trong đó phần đuôi dài khoảng 25 – 38cm. Trọng lượng của một con tê tê Trung Quốc khoảng từ 2 – 7kg.
Tê tê không có răng, lưỡi rất dài (khoảng 25cm), khi trưởng thành thì chúng có bộ móng vuốt dài ở bàn chân.
Tháng 4 và tháng 5 hàng năm, khi thời tiết ấm áp là mùa sinh sản của tê tê vàng. Mỗi lần sinh sản, tê tê chỉ sinh một con non duy nhất.
Tê tê vàng mới sinh nặng khoảng 90g, dài khoảng 10cm, thân chúng mềm và sẽ cứng lại sau 2 ngày. Tê tê non có thể tự đi được, nhưng con mẹ thường để chúng bám vào đuôi trong quá trình di chuyển. Con đực sẽ quan sát, bảo vệ và nhường hang cho tê tê cái khi mới sinh.
Trên thế giới, tê tê là loài động vật có vú duy nhất có vảy.
Đặc điểm và phân loại
Tê tê vàng là một sinh vật khá kín đáo, di chuyển chậm và sống về đêm. Chúng sống ở trong hang và cuộn tròn khi ngủ vào ban ngày.
Thức ăn chủ yếu của tê tê vàng là các loại côn trùng như kiến, mối và các loại côn trùng không sương sống như ong, dế,…. Với bộ móng vuốt dài, chúng có thể dễ dàng đào vào những tổ kiến và mối. Sau đó tuyến nước bọt sẽ tiết chất nhờn để lưỡi dính con mồi và đưa vào miệng.
Lớp vảy dùng để bảo vệ sinh vật này khỏi nguy hiểm, chiếc đuôi sắc nhọn sẽ tấn công kẻ thù nếu cần thiết. Ngoài ra, trong một số trường hợp, tê tê vàng có thể trèo lên cây để trốn kẻ thù.
Đây là một loài động vật rất khó nuôi nhốt. Chúng thường không ăn các thức ăn lạ nên dễ chết sau thời gian ngắn bị bắt.
Tê tê vàng thược tập chung ở Châu Á và Châu Phi, trong đó họ tê tê nói chung được phân thành các loại như sau:
Tê tê Châu Á: Phân bố chủ yếu ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Myanmar, các nước Đông Dương.
- Tê tê Trung Quốc (tê tê vàng Manis pentadactyla)
- Sunda tê tê (Manis javanica)
- Tê tê Ấn Độ (Manis crassicaudata)
- Palang tê tê (Manis Culionensis)
Tê tê Châu Phi:
- Tê tê mặt đất (Smutsia temminckii)
- Tê tê bụng trắng (Phataginus tricuspis)
- Tê tê khổng lồ (Smutsia gigantea)
- Tê tê bụng đen (Phataginus tetradactyla)
Nơi cư trú của tê tê vàng và thực trạng hiện nay
Tê tê thường đào hang dài trên mặt đất để cư trú và ngủ trong đó. Những khu vực sinh vật này thường xuất hiện là:
- Những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh và thứ cấp.
- Các khu vực phát quang và trồng nông nghiệp.
- Những cánh đồng cỏ, thảo nguyên.
Đây là những khu vực đồi núi, tập trung nhiều thức ăn, giúp tê tê vàng dễ dàng sinh sống.
Hiện nay, tê tê Trung Quốc là một loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng cao và được đưa vào danh sách cấm săn bắt và buôn bán trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thực trạng săn bắt trái phép loài động vật này vẫn diễn ra vì giá trị của chúng trên thị trường rất cao.
Tê tê vàng được săn bắt để lấy thịt, móng vuốt và vảy phục vụ cho những mục đích khác nhau.
Thịt tê tê được coi là một món ngon ở các nhà hàng tại Trung Quốc và các nước Châu Á. Hiện nay, thị trường chợ đen, giá thịt tê tê vàng dao động khoảng 200 USD/kg.
Vảy và máu của tê tê được sử dụng làm dược liệu. Những bộ phận này được cho là có tác dụng điều trị một số bệnh như đau dạ dày, hen suyễn, thậm chí là ung thư. Tuy nhiên, tác dụng chữa bệnh của vảy tê tê chỉ là lời đồn thổi trong dân gian và chưa được khoa học kiểm chứng.
Theo ước tính của tạp chí Frontiers in Ecology & the Environment, mỗi năm có khoảng 10.000 con tê tê vàng bị săn bắt và tiêu thụ. Tình trạng tê tê bị săn bắt trộm với số lượng lớn đã khiến cho số lượng của loài này giảm đi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua.
Trong bài viết https://www.nationalgeographic.com/news/2016/11/wildlife-watch-will-rescued-pangolins-vietnam-recaptured/, trang National Geographic cũng đã nêu ra thực trạng buôn bán trái phép tê tê và động vật hoang dã diễn ra rất phức tạp. Đồng thời cảnh báo về nguy cơ loài động vật này bị đe dọa tuyệt chủng.
Chính vì thế, tê tê Trung Quốc được cho vào danh sách những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Những việc cần làm để thế giới chung tay bảo tồn tê tê vàng
Để hạn chế tình trạng săn bắt và tiêu thụ tê tê, ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của loài thì chúng ta cần thực hiện nhiều hành động tích cực hơn nữa.
- Tăng cường thực thi pháp luật: Hiện nay, Việt Nam và các nước trên thế giới đã có những bộ luật nhằm bảo vệ tê tê vàng và động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều tổ chức bảo vệ và bảo tồn động vật hoang dã ra đời để phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép loài động vật này.
- Hoàn thiện thể chế và pháp luật: Đề xuất sửa đổi và bổ sung các chính sách để bảo vệ động vật hoang dã.
- Giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ tê tê: Việc nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen tiêu thụ là rất cần thiết để chấm dứt tình trạng buôn bán tê tê vàng. Các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền cho người dân và những khách hàng có nhiều khả năng tiêu thụ tê tê và những sản phẩm từ chúng.
- Tăng cường kiểm tra tại các nhà hàng, tiệm thuốc YHCT để sớm phát hiện và giải cứu những cá thể tê tê vàng bị săn bắt trái phép.
- Bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã, hạn chế tình trạng chặt phá rừng bừa bãi.
Trên đây là những thông tin về đặc điểm, tập tính và thực trạng của tê tê vàng hiện nay. Đây là một trong những loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng và được pháp luật bảo vệ. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ nâng cao nhận thức và có ý thức hơn trong việc bảo vệ động vật hoang dã.