Hội chứng thận hư ở trẻ em là một tập hợp các triệu chứng của bệnh lý cầu thận mà phần lớn nguyên nhân là vô căn, chiếm 90% ở trẻ em từ 1 -10 tuổi. Đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu không phát hiện và chữa trị sớm sẽ gây ra những biến chứng khó lường. Trong khuôn khổ bài viết, chúng ta sẽ đề cập đến bài giảng về bệnh và cách chăm sóc trẻ bị bệnh.
Nội dung chính trong bài
Bài giảng hội chứng thận hư
Nguồn gốc thuật ngữ
- Từ năm 1905, khái niệm bệnh được một bác sĩ người Đức là Friedrich Von Muller nhắc đến đầu tiên, nhằm nói đến các căn bệnh ở thận xảy ra do thoái hóa.
- Năm 1913, Munk nhắc đến thuật ngữ “thận hư nhiễm mỡ” là nhóm các biểu hiện của tăng protein niệu, giảm protein máu và tăng lipid máu, phù và ống thận bị nhiễm mỡ, còn cầu thận gần như không bị ảnh hưởng.
- Năm 1914, bác sĩ Franz Volhard và Karl Theodor Fahr cho rằng căn bệnh do thoái hoá ống thận. Từ đó, các ông suy ra một dạng bệnh lý khi ống thận bị nhiễm mỡ.
- Năm 1937, nhà nghiên cứu Epstein lại giả định rằng đây không phải là một bệnh lý của thận, mà nó là sự rối loạn chuyển hoá lipid ở người.
Từ năm 1950 trở đi, các nghiên cứu đã xác minh lại những quan niệm trên nhờ áp dụng kỹ thuật sinh thiết thận, kính hiển vi điện tử, miễn dịch huỳnh quang,… Kết luận cho biết: Bệnh là biểu hiện bệnh lý ở cầu thận do “bộ” nguyên nhân khác nhau gây ra và không xác định rõ ràng nên gọi là bệnh vô căn.
Biểu hiện của bệnh
Biểu hiện lâm sàng và sinh hóa đặc trưng của bệnh hội chứng thận hư ở trẻ em như sau:
- Protein niệu nhiều: Trên 50mg/kg/24 giờ, hoặc trên 40mg/m2/giờ, hoặc Protein/Creatinin trên 200mg/mmol.
- Protein máu giảm: Dưới 50g/lít
- Albumin máu giảm: Dưới 25g/lít.
- Lipid máu tăng
- Phù
Biểu hiện phù chân do hội chứng thận hư ở trẻ em
Điều này được giải thích là khi một lượng lớn protein (cụ thể là albumin) bị đào thải qua nước tiểu, lượng albumin hao hụt này đủ để làm giảm lượng protein máu. Do protein có chức năng giữ nước trong lòng mạch, nếu protein máu thấp đạt ngưỡng thì nước sẽ thoát từ lòng mạch ra mô kẽ, từ đó gây phù. Những vùng cơ thể dễ bị phù nhất là ở mắt, bụng, 2 chân, bìu.
Phân loại bệnh
- Hội chứng thận hư ở trẻ em thể nguyên phát: Do không tìm ra nguyên nhân và không có các biểu hiện của bệnh hệ thống (như lupus ban đỏ, tiểu đường, viêm mạch máu,..).
- Thể thứ phát: Là có các biểu hiện của bệnh hệ thống, nhiễm khuẩn, dị ứng, ung thư, bệnh di truyền và chuyển hóa,…
- Thể bẩm sinh: Xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi và rất hiếm gặp.
Cách chăm sóc hội chứng thận hư ở trẻ em
Khi trẻ mắc bệnh, các bậc cha mẹ nên lưu ý một số cách chăm sóc người bệnh như sau:
- Phổ biến kiến thức và giáo dục cho trẻ nhận thức được về bệnh, bao gồm: Các biểu hiện lâm sàng, triệu chứng tái phát, cách thức điều trị, các biến chứng, tầm quan trọng của điều trị bằng corticoid, chế độ ăn lạt,…
- Kiểm tra nước tiểu của trẻ vào buổi sáng sớm bằng que thử nước tiểu là cách để phụ huynh dễ theo dõi diễn tiến bệnh tại nhà. Người lớn có thể thực hiện 1 – 2 ngày sau khi trẻ dùng prednisone được 7 ngày hoặc khi trẻ cải thiện tình trạng phù nề. Nếu kết quả không có protein niệu hoặc chỉ có vết trong 3 ngày liên tục thì chứng tỏ mức độ bệnh giảm.
- Theo dõi các triệu chứng lâm sàng hội chứng thận hư ở trẻ em (chiều cao, cân nặng, huyết áp), cận lâm sàng (tốc độ máu lắng, protein niệu) của trẻ ít nhất qua 5 năm vì bệnh thường dễ tái phát. Cả phụ huynh và trẻ phải tuân thủ việc điều trị nội trú và ngoại trú một cách chặt chẽ để ngăn chặn các yếu tố gây tái lại.
- Bệnh tái phát và có các triệu chứng như: Đau bụng nhiều, sốt, phù, đau tay chân, nôn ói hoặc tiêu chảy,…phụ huynh cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ ngay. Nếu dùng que thử thấy protein niệu là 3+ trong 3 ngày liên tục, có nghĩa là bệnh đã tái phát; nếu ở mức 1 – 2 ngày thì trẻ vẫn bình thường.
- Khi trẻ bị hội chứng thận hư cho trẻ đi học bình thường và tham gia các hoạt động thể dục thể thao để giúp cơ xương chắc khỏe, cơ thể phát triển toàn diện.
- Trẻ hạn chế thức ăn mặn, phụ huynh cho ít muối khi nấu món. Khi điều trị với prednisone, một số trẻ cảm giác đói nhiều và tăng cân nhanh nên phụ huynh khuyến khích trẻ ăn thức ăn năng lượng thấp như rau củ, hoa quả bổ sung. Sau khi trẻ thuyên giảm với điều trị prednisone thì có thể ăn chế độ dinh dưỡng như những người khác.
Trẻ em bị hội chứng thận hư phải làm sao?
Giảm phù
- Chế độ ăn giảm muối và nước, ăn thực phẩm giàu vitamin C theo tiêu chuẩn như: muối 2-3g/ngày, nước <15ml/kg/ngày, đạm 2-4g/kg/ngày.
- Giữ ấm người, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nghỉ ngơi hợp lý.
- Dùng furosemid để điều chỉnh lượng tiểu tiện như mong muốn dành cho hội chứng thận hư ở trẻ em, nạp qua đường uống hoặc tĩnh mạch. Trong trường hợp cơ thể kháng thuốc lợi tiểu, người bệnh có thể tăng liều lên gấp đôi hoặc kết hợp với metolazone để furosemid phát huy hết tác dụng.
Bù khối lượng tuần hoàn
- Khi albumin máu giảm, bệnh nhân bù đắp bằng dung dịch albumin người trong trường hợp: Người có biểu hiện phù to và thuốc lợi tiểu liều cao không đáp ứng được, bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật hoặc làm sinh thiết thận.
- Ngoài ra, trẻ em mắc hội chứng thận hư có thể dùng bổ sung plasma, dung dịch nước muối sinh lý, dung dịch keo,…để “bù đắp” cho thể tích tuần hoàn.
Điều trị đặc hiệu
- Giai đoạn nguyên phát: Liệu pháp corticoid (Prednison 5mg) có tác dụng kháng viêm và ức chế miễn dịch. Dùng cho bệnh nhân có thay đổi tối thiểu cầu thận, viêm cầu thận tăng sinh, xơ cầu thận ổ cục bộ.
- Giai đoạn tấn công: Dùng corticoid 1 – 2mg/kg/ngày và không vượt quá 80mg/ngày, uống 1 lần vào buổi sáng sau khi ăn và chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Duy trì thuốc từ 4 – 8 tuần hoặc kéo dài hơn.
- Giai đoạn củng cố: Tiếp tục dùng corticoid trong 4 tháng và giảm dần theo thời gian.
- Giai đoạn duy trì: Dùng corticoid 5 – 10mg/ngày, kéo dài liên tục hàng năm. Liều lượng và thời gian điều trị bằng corticoid phụ thuộc vào thể bệnh và mức độ đáp ứng điều trị.
Điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em kháng thuốc
Nếu xảy ra tình trạng kháng corticoid sau 4 tuần điều trị tấn công, trẻ em dùng thay thế bằng methylprednisolone 1g/1.73m2 da/ngày, uống cách ngày 3 lần hoặc có thể làm sinh thiết thận ngay.
Điều trị biến chứng
Nếu corticoid có tác dụng phụ không mong muốn, hoặc để tránh các biến chứng nguy hiểm thì cho trẻ dùng thay thế bằng các loại thuốc đặc hiệu khác như: cyclophosphamide, cyclosporine, azathioprin, tacrolimus, mycophenolate mofetil.
Ngày nay, hội chứng thận hư vẫn chưa xác định được nguyên nhân, có thể là do “tấm chắn” miễn dịch không bình thường. Bệnh không có tính truyền từ người này sang người khác trong một gia đình, trừ khi do đột biến gen hiếm. Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc theo dõi, hướng dẫn và chăm sóc con trẻ để chúng lạc quan với bệnh và lớn lên một cách khỏe mạnh.