Trẻ ăn không tiêu bị nôn phải làm sao? Liệu có bị sốt và nôn trớ không? Đây là một tình trạng rất hay gặp, khiến cho trẻ mệt mỏi, đầy bụng, không muốn vui chơi, hoạt động … Vậy bố mẹ cần làm gì khi trẻ gặp phải trường hợp này? Mời quý độc giả tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi.
Nội dung chính trong bài
Bé bị đầy bụng và nôn do đâu?
Khẩu phần ăn không hợp lý
Có rất nhiều trẻ được bố mẹ cho tập ăn dặm từ sớm khi mà hệ tiêu hóa của bé còn chưa ổn định, dẫn đến lượng tinh bột và glycoprotein khi trẻ ăn vào không được tiêu hóa và hấp thụ hết.
Do vậy gây nên tình trạng dư thừa, thức ăn bị lên men và sinh hơi, khiến trẻ bị đầy bụng, nôn trớ, khó chịu. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm trẻ biếng ăn, mắc các bệnh về đường ruột.
Mặt khác, nhiều bố mẹ sợ trẻ nhanh đói nên cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày, các bữa ăn rất gần nhau, lượng thức ăn mỗi bữa cân đối không hợp lý cũng là nguyên nhân làm trẻ ăn không tiêu bị nôn.
Thói quen làm sẵn thức ăn cho trẻ sau đó lưu trữ trong tủ lạnh để ăn khiến thức ăn bị biến chất, khi trẻ ăn vào cũng có thể gây ra đầy bụng.
Do trẻ bị tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy, một lượng nước và chất điện giải bị mất ra ngoài theo phân, trong đó chủ yếu là kali. Khi đó gây ra chứng đầy bụng, chướng hơi ở trẻ, cơ hoành bị đè đẩy, làm kích thích trẻ bị nôn trớ nhiều.
Trẻ ăn không tiêu bị nôn do táo bón
Táo bón là tình trạng ứ đọng phân trong đại tràng lâu ngày khiến các vi khuẩn sinh hơi hoạt động mạnh mẽ. Vậy nên trẻ bị táo bón thường bị chướng bụng, khó tiêu.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến trẻ đầy bụng bị nôn có thể do nhiễm ký sinh trùng đường ruột hoặc mắc chứng không dung nạp lactose…
Bé ăn không tiêu bị nôn phải làm sao?
Dưới đây là một số cách để bố mẹ có thể thực hiện cho trẻ.
- Massage bụng cho trẻ: Bố mẹ có thể dùng tay xoa bụng nhẹ nhàng cho trẻ, xoa theo chiều kim đồng hồ từ rốn ra xung quanh. Việc massge này giúp tăng nhu động ruột, có thể khiến bé “xì hơi” để bớt bị đầy bụng. Tuy nhiên, không nên massage khi trẻ mới ăn no, điều đó có thể kích thích làm trẻ nôn trớ lại.
- Cho trẻ uống nhiều nước lọc: Do trẻ bị ăn không tiêu buồn nôn nên cần cung cấp đủ lượng nước hàng ngày cho trẻ. Việc uống đủ nước vừa giúp bù nước, vừa giúp hòa loãng các axit trong đường ruột, làm hạn chế các vi khuẩn lên men sinh hơi.
- Ăn nhiều rau củ quả: Trong rau xanh và hoa quả có chứa nhiều chất xơ, rất tốt cho hoạt động tiêu hóa của trẻ. Ngoài ra, trong rau củ quả chứa nhiều vitamin, giúp bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Chườm nóng bụng
- Bố mẹ chuẩn bị một chiếc khăn dày, sạch, nhúng nước ấm vừa tay. Sau đó gấp gọn lại và đặt lên bụng trẻ. Nhiệt độ và sức nặng của chiếc khăn có thể làm trẻ cảm thấy thoải mái hơn, bớt sự khó chịu.
- Phân chia bữa ăn hợp lý Việc tập thói quen ăn uống đúng giờ, đúng bữa từ khi còn nhỏ cho trẻ là rất cần thiết để tránh trẻ ăn không tiêu bị nôn trớ. Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện nên rất cần sự ổn định. Buổi sáng, bố mẹ nên cho trẻ ăn sau 7h vì đây là thời gian thức ăn được hấp thu tốt nhất. Một ngày nên cho trẻ ăn đủ 3 bữa chính, bên cạnh đó cần xen kẽ các bữa phụ cho trẻ với sữa hoặc hoa quả, đồ ăn nhẹ.
Trẻ ăn không tiêu có bị sốt không?
Sốt là tình trạng tăng thân nhiệt trên mức bình thường của cơ thể (nhiệt độ bình thường của cơ thể dao động 36,5-37,4 độ C). Phản ứng sốt xảy ra do sự hiện diện của các vi khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn trong máu.
Khi đó các bạch cầu đa nhân, các đại thực bào, các lympho thực bào sẽ được huy động để tiết ra chất interleukin 1- gọi là chất gây sốt. Chất này tác động vào vùng dưới đồi gây ra tăng thân nhiệt.
Nói chung lại, sốt là phản ứng của cơ thể khi có vi khuẩn tấn công gây ra viêm cơ quan, tổ chức nào đó. Vậy trẻ không tiêu sau khi ăn liệu có bị sốt không? Trong trường hợp này, trẻ có thể bị sốt nếu nguyên nhân gây khó tiêu là do nhiễm vi khuẩn, kí sinh trùng đường ruột, gây viêm đường ruột. Tùy vào tình trạng viêm nặng hay nhẹ mà sốt biểu hiện cao hay thấp, kéo dài hay không.
Khi trẻ ăn không tiêu bị sốt, nếu nhiệt độ dưới 38,5 độ C, bố mẹ nên chườm ấm và nới thoáng quần áo cho trẻ. Còn khi nhiệt độ cao trên 38,5 độ C, bố mẹ cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt và kết hợp chườm ấm. Lưu ý liều dùng thuốc hạ sốt paracetamol của trẻ là 10-12 mg/kg cân nặng, cách nhau mỗi 4-6 giờ/lần và tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng/24 giờ.
Trẻ ăn không tiêu có bị nôn trớ không?
Nôn trớ là tình trạng hay gặp ở trẻ nhỏ. Đây là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản và miệng. Nguyên nhân có thể do trẻ ăn sữa quá nhiều, no, hoặc bố mẹ đặt trẻ nằm ngay sau khi ăn. Với trẻ lớn, có thể do chưa quen với những thức ăn mới, trẻ không hấp thu được gây ra nôn trớ.
Vậy trẻ ăn không tiêu có bị nôn trớ không? Như trên chúng tôi đã trình bày một vài nguyên nhân gây khó tiêu ở trẻ, và hầu hết, các nguyên nhân này đều có thể làm trẻ bị nôn trớ. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, bố mẹ nên chăm sóc trẻ đúng cách, phân chia bữa ăn hợp lý và sử dụng các loại thực phẩm tươi sạch cho bữa ăn của trẻ.
Trẻ ăn không tiêu bị nôn là một tình trạng phổ biến và lành tính. Tuy nhiên nếu nó kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Vì vậy, nếu mẹ nào còn lo lắng trẻ khó tiêu bị nôn phải làm sao thì hãy tham khảo các phương pháp trên của chúng tôi.