Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh lý đường hô hấp đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra và không hồi phục hoàn toàn. Nếu không được điều trị sớm bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chính về căn bệnh này và cách dự phòng tốt nhất.
Nội dung chính trong bài
Các giai đoạn viêm phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là vấn đề thường gặp ở những người tuổi trên 40, có tiền sử hút thuốc lá, tiếp xúc với khói bụi, môi trường ô nhiễm. Các tác nhân này phá hủy từ từ cấu trúc của phế quản và phổi và gây nên tình trạng viêm.
Viêm phổi tắc nghẽn mãn tính diễn biến khá chậm và người bệnh thường chỉ đến viện khi đã có các triệu chứng như ho, khó thở, khạc đờm:
- Đặc điểm của ho thường về buổi sáng, ho thúng thắng hoặc thành cơn, có thể kèm theo khạc đờm.
- Tính chất đờm nhầy, trong, nếu bệnh ở đợt cấp thì đờm có màu trắng hoặc vàng đục.
- Bên cạnh đó, người bệnh đôi khi cảm thấy khó thở. Ban đầu khó thở khi gắng sức, xuất hiện từ từ, về sau khó thở tăng lên và liên tục ngay cả khi nghỉ ngơi.
Các bác sĩ thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng có thể thấy các dấu hiệu điển hình của bệnh như kiểu thở mím môi, lồng ngực hình thùng, dấu hiệu Campbell, Hoover, dấu hiệu tăng áp lực động mạch phổi, hình ảnh “phổi bẩn” trên phim X-quang, khí phế thũng trên phim chụp cắt lớp vi tính….
Tuy nhiên, tất cả các triệu chứng và dấu hiệu trên không phải lúc nào cũng song hành với nhau mà nó còn tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và thể trạng của từng người. Vậy viêm phổi tắc nghẽn mãn tính có những giai đoạn nào?
Theo GOLD 2010 (Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease – Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), bệnh được chia thành 4 giai đoạn (nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng). Cách phân chia giai đoạn này dựa vào kết quả đo chức năng thông khí (FEV1 và chỉ số Gaensler FEV1/FVC) và sự có mặt của các triệu chứng. Cụ thể như sau:
- Giai đoạn 1 (nhẹ): FEV1/FVC <70%, FEV1≥80% trị số lý thuyết. Có hoặc không có triệu chứng mạn tính (ho, khạc đờm, khó thở).
- Giai đoạn 2 (trung bình): FEV1/FVC <70%, 50% ≤ FEV1 < 80% trị số lý thuyết. Có hoặc không có triệu chứng của viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (ho, khạc đờm, khó thở).
- Giai đoạn 3 (nặng): FEV1/FVC <70%, 30% ≤ FEV1 ≤ 50% trị số lý thuyết. Thường có các triệu chứng mạn tính (ho, khạc đờm, khó thở).
- Giai đoạn 4 (rất nặng): FEV1/FVC <70%, FEV1< 30% trị số lý thuyết hoặc có triệu chứng mạn tính (ho, khạc đờm, khó thở).
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn là căn bệnh nằm trong top các nguyên nhân gây tử vong và gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Vậy căn bệnh này thực sự nguy hiểm như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi ở phần tiếp theo.
Viêm phổi mãn tính tắc nghẽn nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ, nó là một bệnh lý nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh sẽ gây ra các biến chứng nặng nề tới cơ quan khác. Một số biến chứng thường gặp đó là:
Biến chứng tại tràn dịch phổi
Ở giai đoạn nặng của bệnh, biến chứng tràn khí, tràn dịch màng phổi là rất nguy hiểm. Nó gây ra tình trạng suy hô hấp cấp tính nhanh chóng, nếu không được xử trí kịp thời người bệnh có thể tử vong.
Viêm phổi tắc nghẽn mãn tính gây suy tim
Đặc trưng của bệnh lý này đó là tình trạng khó thở ra, dẫn đến việc khí cacbonic không được thải ra ngoài, đồng thời cũng khó lấy oxy vào. Tình trạng thiếu oxy và tăng khí CO2 trong cơ thể sẽ dẫn đến suy hô hấp cấp, rối loạn nhịp tim, có thể là loạn nhịp hoàn toàn.
Trên lâm sàng, có thể thấy các dấu hiệu điển hình của suy tim ở bệnh nhân COPD như: tĩnh mạch cổ nổi, phù, cổ trướng, loạn nhịp tim, tiếng tim bất thường…Trên kết quả cận lâm sàng cho thấy các dấu hiệu của dày thất phải, buồng thất phải giãn, tăng áp lực động mạch phổi trên 30mmHg…
Viêm phổi tắc nghẽn mãn tính gây biến chứng thần kinh
Cũng tương tự như trên, nguyên nhân của tình trạng này vẫn là cơ thể thiếu oxy và thừa khí CO2, dẫn đến việc thiếu oxy lên não nên người bệnh thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Nếu nồng độ CO2 quá dư thừa, bệnh nhân có thể bị rối loạn ý thức hoặc hôn mê sâu.
Như vậy có thể thấy, bất kì biến chứng nào của bệnh phổi tắc nghẽn mạn đều rất nguy hiểm. Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể dự phòng và điều trị được.
Cách phòng tránh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính
Việc dự phòng bệnh là một việc vô cùng cần thiết. Vậy ngăn ngừa nó như nào là đúng cách? Dưới đây là một số thông tin cần thiết cho bạn đọc:
- Không hút thuốc lá: Khoảng 15-20% những người hút thuốc lá có triệu chứng lâm sàng của COPD và có 80-90% bệnh nhân COPD có tiền sử hút thuốc lá. Và cũng nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em trong gia đình có người hút thuốc lá bị các bệnh đường hô hấp nhiều hơn trẻ trong gia đình không có người hút.
- Người viêm phổi tắc nghẽn mãn tính hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, hóa chất nghề nghiệp (hơi, chất kích thích, khói), khói bếp do đun củi, rơm, than…
- Giữ gìn sức khỏe, vệ sinh mũi, miệng, họng thường xuyên, giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh.
- Uống nhiều nước, bổ sung các loại nước ép trái cây để tăng sức đề kháng.
- Tiêm vacxin phòng cúm, phòng phế cầu để ngăn ngừa viêm phổi cấp ban đầu.
- Các trường hợp bị viêm phế quản mạn tính, người bệnh cần khám và tuân thủ điều trị tuyệt đối.
- Người cao tuổi sức đề kháng yếu, nên khi thời tiết thay đổi, cần hạn chế ra ngoài vào buổi sáng sớm. giữ ấm cơ thể nhất là vùng cổ và ngực.
- Tuân thủ điều trị và điều trị dự phòng với những bệnh nhân COPD giai đoạn ổn định để phòng tránh tái phát đợt cấp.
Trên đây, chúng tôi đã cung cấp cho các bạn một số kiến thức cần thiết về căn bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Hy vọng bạn đọc đã có được những thông tin hữu ích cho mình cũng như những người thân yêu.