Bị tê tay chân khi ngủ về đêm và sau khi ngủ dậy là tình trạng gặp phải ở rất nhiều người. Điều này tưởng như đơn giản nhưng lại có khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về vấn đề này.
Nội dung chính trong bài
Đêm ngủ hay bị tê tay là bệnh gì?
Tay chân bị tê là cảm giác tê bì, lâm râm như kiến bò ở cẳng tay/chân hoặc lòng bàn tay/chân, có khi là cảm giác tê lan suốt dọc cánh tay và chân. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có nguyên nhân sinh lý và bệnh lý.
Bị tê tay chân khi ngủ do nguyên nhân sinh lý
- Tay bị đè ép do nằm ngủ sai tư thế làm cản trở tuần hoàn máu đến ngoại vi cùng với sự mỏi cơ vì bị tì đè nên dẫn tới tê ở tay khi ngủ.
- Do nhiệt độ phòng ngủ quá thấp, nhất là sử dụng điều hòa khi ngủ. Không khí lạnh cũng ảnh hưởng đến lưu thông khí huyết của cơ thể, khiến quá trình này bị ngưng trệ nên dễ gây ra tê buốt tay.
- Những người lớn tuổi sức đề kháng kém, dễ bị cảm lạnh cũng sẽ gặp phải tình trạng tê, run chân tay nếu cơ thể không được giữ ấm.
Bị tê tay chân khi ngủ vì nguyên nhân bệnh lý
- Bệnh lý tim mạch: Những người bị bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và một số bệnh tim khác thường bị tê ở tay khi ngủ do sức co bóp của tim suy yếu, cản trở của thành mạch dẫn tới máu đến các ngọn chi kém, kém nuôi dưỡng.
- Thiếu máu não thoáng qua: Tình trạng này thường xuất hiện đột ngột ở người lớn tuổi, trong một thời gian ngắn, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, đầu óc choáng váng, tê nhẹ đầu chi.
- Đái tháo đường: Nếu bạn có sẵn bệnh nền đái tháo đường mà xuất hiện tê tay chân khi ngủ, tức là bệnh đã bắt đầu gây nên các biến chứng cho cơ thể. Vì vậy cần theo dõi và thăm khám kịp thời.
- Thoái hóa cột sống cổ: Thoái hóa làm chèn ép vào các dây thần kinh chi phối cảm giác cho vùng cánh tay. Nếu tình trạng thoái hóa nặng, các dây thần kinh bị chèn ép thường xuyên có thể khiến toàn bộ cánh tay tê bì, mất cảm giác. Đối tượng dễ gặp nhất là người thể trạng gầy, trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng và người già.
Ngủ dậy bị tê tay là bệnh gì?
Do nằm ngủ sai tư thế gây ra tê nhức tay chân
- Nằm ngủ nghiêng sang một bên: Đây là một thói quen rất hay gặp ở mọi người, gây nên tình trạng tê ở tay khi ngủ dậy. Một phần cơ thể đè lên cánh tay khi nằm nghiêng, dẫn tới mạch máu bị tì đè trong thời gian khá lâu, lưu thông máu đến các chi kém hơn nên tay xuất hiện tê bì, cảm giác kim châm, có khi mất cảm giác tạm thời.
- Nằm ngủ gác tay lên trán: Thói quen gác tay lên trán để chắn ánh sáng tới mắt khi ngủ cũng có thể khiến tê tay khi ngủ dậy. Khi để tay ở tư thế này, bạn đã vô tình làm cản trở quá trình vận chuyển máu của tim tới ngọn chi do tim nằm ở vị trí thấp hơn. Chính vì vậy, cảm giác khó chịu, tê bì sẽ xuất hiện lúc bạn thức giấc.
- Nằm gục xuống bàn để ngủ: Thói quen này rất thường gặp ở những người làm văn phòng, khi nghỉ trưa, bạn thường khoanh tay lại để tạo thành chiếc gối đầu cho dễ ngủ. Cách lí giải cũng tương tự như các nguyên nhân trên, máu lưu thông kém và bạn sẽ bị tê.
Bị tê tay chân khi ngủ dậy do hội chứng ống cổ tay
Nguyên nhân của tình trạng này là do dây thần kinh giữa chạy qua vùng cổ tay bị chèn ép sau một tác động nào đó. Dây thần kinh giữa chi phối cảm giác ngoài da và vùng gan bàn tay của ngón trỏ, ngón giữa. Bên cạnh đó, dây thần kinh giữa còn liên quan đến động tác co cơ của các ngón tay. Do vậy, hội chứng này đặc trưng bởi các triệu chứng như đau nhức, tê bì, châm chích ở lòng bàn tay, dọc các ngón tay nhất là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa. Cơn đau có thể lan khắp bàn tay lên tận cổ tay, cánh tay đặc biệt là sau khi ngủ dậy.
Một số nguyên nhân khác khiên bạn bị tê tay chân khi ngủ dậy
Tương tự như tê buốt tay về đêm, một số nguyên nhân dưới đây cũng có thể gây ra tê chân tay khi ngủ dậy:
- Thoái hóa đốt sống cổ.
- Viêm khớp thấp và viêm dây thần kinh ngoại biên.
- Do thiếu chất, nhất là vitamin nhóm B.
- Bệnh lý tim mạch, tiểu đường.
Cách trị tê tay chân khi ngủ
Tùy theo nguyên nhân sinh lý hay bệnh lý mà chúng ta có cách chữa trị, giải quyết khác nhau. Đầu tiên, với nguyên nhân sinh lý do nằm sai tư thế hoặc nhiễm lạnh, bạn có thể khắc phục như sau:
- Điều chỉnh tư thế ngủ hợp lý, tốt nhất là nằm ngửa hoặc nghiêng phải, để thân mình co duối thoải mái, không nằm khoanh tay hoặc để tay lên trán. Bạn cũng nên lựa chọn cho mình một chiếc gối êm ái, không quá cao để dễ ngủ hơn.
- Thường xuyên massage cơ thể trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy để khí huyết được lưu thông. Hoặc bạn có thể ngâm chân tay vào nước ấm và gừng để giãn mạch máu, giúp tăng cường tuần hoàn máu đến các chi.
- Hạn chế ngồi lâu ở một tư thế, tránh các việc nặng.
Xem thêm >> Tê tay khi mang thai tháng cuối, 3 tháng giữa và các dấu hiệu thai kì
Tiếp theo, với các nguyên nhân do bệnh lý gây nên, bạn cần đặc biệt chú ý như sau:
- Những người chưa có bệnh nền thì cần theo dõi tình trạng bệnh và tới bác sĩ để được khám, chẩn đoán và điều trị một cách chính xác nhất.
- Với những ai đã có bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, thoái hóa cột sống thì cần khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ càng. Quan trọng nhất là tuân thủ điều trị để tình trạng không xấu đi.
- Sau khi được thăm khám, tùy vào mức độ tê bì mà bác sĩ sẽ đưa ra các y lệnh phù hợp với bệnh của bạn như xoa bóp, vật lý trị liệu…
Bên cạnh các cách trị trên, bạn có thể tự xử lý hiện tượng bị tê tay chân khi ngủ dậy bằng cách: Nằm lại giường, nhẹ nhàng nhấc cẳng tay, cẳng chân lên khỏi mặt giường, thực hiện các động tác gấp duỗi đơn giản. Sau đó từ từ khởi động co, duỗi các ngón tay, dùng tay lành xoa nắn cho tay bị tê. Làm như vậy khoảng 5 phút hoặc đến khi bạn thấy đỡ tê bì thì có thể đứng dậy rời khỏi giường.
Như vậy, qua bài viết trên, chúng tôi đã giải đáp cho thắc mắc “Bị tê tay chân khi ngủ về đêm, sau khi ngủ dậy là bệnh gì và cách trị?” Hy vọng, bạn đọc đã có được những kiến thức bổ ích cho mình.