Rách bao xơ đĩa đệm được coi là bước khởi đầu của bệnh thoát vị đĩa đệm. Từ đây, nhân nhầy sẽ thoát ra bên ngoài và chèn ép rễ thần kinh, gây ra những cơn đau cột sống dữ dội. Vì thế, rất nhiều bệnh nhân thắc mắc liệu rằng rách bao xơ có lành được không? Bài viết này sẽ chia sẻ những thông tin bổ ích xoay quanh vấn đề này.
Nội dung chính trong bài
Rách bao xơ đĩa đệm có lành được không?
Nằm giữa các đốt sống của đoạn cột sống vận động là một bộ phận có chức năng giảm xóc mang tên đĩa đệm. Thành phần cấu tạo nên một đĩa đệm bao gồm khối nhân nhầy bên trong và lớp bao xơ bên ngoài. Bao xơ đĩa đệm được hình thành bởi rất nhiều vòng sợi có tính chun giãn và xếp chồng lên nhau.
Xét về cơ chế bệnh sinh, rách bao xơ đĩa đệm là một giai đoạn của thoát vị đĩa đệm. Sự kết hợp giữa các tác nhân nội ngoại sinh khiến đĩa đệm bị chèn ép quá mức, từ đó sinh ra hiện tượng phồng, lồi đĩa đệm, rách bao xơ và thoát vị hoàn toàn (tức nhân nhầy đã chui ra từ vết rách và chèn ép vào rễ thần kinh).
Về cơ bản thì một khi bao xơ đã bị rách, chúng không thể tự lành lại hoàn toàn. Giống như khi chúng ta đứt tay quá sâu, dù có phục hồi như thế nào thì vết sẹo vẫn còn đó. Mọi biện pháp can thiệp lúc này gần như chỉ mang tính bảo tồn, tức là không để đĩa đệm chịu thêm áp lực, bao xơ không rách nặng nề thêm nữa.
Tuy nhiên, khả năng lành lại của bao xơ không phải là không có. Tùy vào mức độ rách bao xơ đĩa đệm mà tỷ lệ hồi phục của bộ phận này là khác nhau. Trong trường hợp bao xơ mới nứt và rách một vết nhỏ, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát để đưa nó về trạng thái gần như ban đầu. Ngược lại, khi nhân nhầy đã thoát hẳn ra bên ngoài thì việc “làm lành” bao xơ gần như là không thể.
Nói như vậy không có nghĩa là với vấn đề “Rách bao xơ đĩa đệm có lành lại được không?”, chúng ta chấp nhận buông xuôi. Vấn đề lúc này không đơn thuần chỉ là của bao xơ nữa, bởi nếu không khắc phục, bệnh nhân sẽ bị hành hạ bởi những cơn đau buốt cột sống dữ dội. Hơn thế nữa, khả năng đi lại, vận động của người bệnh cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc tìm cách chữa trị khi bao xơ bị rách là điều vô cùng quan trọng.
Cách chữa trị rách bao xơ đĩa đệm
Để điều trị các triệu chứng cũng như gia tăng khả năng hồi phục bao xơ, bệnh nhân có thể lựa chọn các phương pháp chữa bệnh thoát vị đĩa đệm phù hợp sau khi đã có chẩn đoán chính xác nhờ vào chụp MRI – Cộng hưởng hoặc X-quang thoát vị đĩa đệm.
Thông thường, các loại thuốc tây y sẽ được sử dụng để giảm cơn đau buốt, tê bì do nhân nhầy chèn ép rễ thần kinh gây ra. Cùng với đó, các bài thuốc Đông Y cùng một số liệu pháp vật lý trị liệu sẽ là phương pháp thích hợp để điều trị chuyên sâu, thu nhỏ khối thoát vị và làm lành tổn thương tại cột sống.
Điều trị rách bao xơ đĩa đệm bằng Tây Y
- Nhóm thuốc giảm đau: Bao gồm các loại như Aspirin, Neurontin, Paracetamol… giúp giảm cơn đau cấp tính chỉ sau 30 phút sử dụng.
- Nhóm thuốc kháng viêm: Phổ biến nhất là Diclofenac, Meloxicam… với công dụng ngăn chặn hiện tượng viêm nhiễm tại cột sống đĩa đệm.
- Nhóm thuốc giãn cơ: Dùng trong trường hợp rách bao xơ đĩa đệm kèm theo triệu chứng co cứng cột sống. Hai loại thuốc chủ yếu được sử dụng là myonal và mydocalm.
- Vitamin nhóm B: Tác dụng cung cấp dinh dưỡng, bổ sung vi chất, giúp sản sinh máu huyết để đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
Sử dụng thuốc Đông Y làm lành bao xơ bị rách
- Bài thuốc 1: Dùng 6 loại thảo dược bao gồm cỏ xước, dền gai, trinh nữ, ngải cứu, chìa vôi, dây đau xương mỗi loại 20g dạng khô. Đem tất cả sắc lấy nước uống, kiên trì khoảng 1 tháng sẽ thấy triệu chứng đau buốt, tê bì của rách bao xơ đĩa đệm thuyên giảm rõ rệt.
- Bài thuốc 2: Thái nhỏ và phơi khô 1 quả bưởi, 500g chanh, 500g ngải cứu. Đem nguyên liệu ngâm với 2 lít rượu trong khoảng 10 ngày. Sử dụng ngày 2 lần, mỗi lần 1 chén hạt mít rượu thuốc sau khi ăn. Bài thuốc này đã giúp rất nhiều bệnh nhân rách bao xơ khỏe mạnh trở lại mà không cần dùng đến tân dược.
- Bài thuốc 3: Chọn khoảng 2 đọt xương rồng ba chia, đem thái nhỏ rồi giã nhuyễn với chút muối hột. Lót một miếng khăn mỏng lên vùng cột sống bị đau và đắp xương rồng lên trên, băng lại rồi để khoảng nửa tiếng. Kiên trì sử dụng bài thuốc này sẽ giúp làm lành tổn thương rách bao xơ đĩa đệm.
Vật lý trị liệu cho người rách bao xơ đĩa đệm
- Kéo giãn cột sống: Giúp giảm tải áp lực cho đĩa đệm cột sống, đồng thời giải phóng rễ thần kinh bị chèn ép do rách bao xơ.
- Châm cứu: Giúp giải phóng endorphin – hoạt chất giảm đau tự nhiên, tăng cường lưu thông máu tới đĩa đệm và cân bằng âm dương.
- Phương pháp nhiệt: Giúp giảm đau, sưng tấy, giãn cơ, bảo tồn các vết rách bao xơ không nghiêm trọng thêm nữa.
Lưu ý khi bị rách bao xơ đĩa đệm
Ngay khi phát hiện bao xơ đĩa đệm bị rạn rách, người bệnh cần can thiệp điều trị ngay lập tức. Để gia tăng hiệu quả phục hồi, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc: Không ngồi gập lưng cổ, không bê vác nặng… bởi đây chính là những nguyên nhân gây rách bao xơ đĩa đệm.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Để tránh gia tăng hiện tượng viêm nhiễm cho cột sống, người bệnh nên ăn những món thanh đạm, ít chất béo như hoa quả, rau xanh, thịt màu nhạt… Nói không với bia rượu, nước ngọt có ga nếu bạn không muốn tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
- Rèn luyện thể dục thể thao: Có rất nhiều cách vận động để hỗ trợ phục hồi các tổn thương rách bao xơ đĩa đệm, đồng thời tăng cường sự dẻo dai cho cột sống như yoga, đi bộ, tập luyện tại nhà… Nếu chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao, chắc chắn tình trạng rách bao xơ sẽ được cải thiện đáng kể.
- Thăm khám định kỳ: Để theo dõi sự phục hồi của bản thân, hãy thường xuyên khám bệnh đình kỳ 3 tháng 1 lần. Trường hợp rách bao xơ đĩa đệm quá mức, rễ thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng thì bắt buộc phải phẫu thuật để cắt bỏ khối thoát vị hoặc thay đĩa đệm nhân tạo.
Trên đây là những thông tin xoay quanh vấn đề rách bao xơ đĩa đệm có lành được không? Hy vọng bài viết này có thể cung cấp cho người bệnh kiến thức bổ ích nhất, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị tình trạng rách bao xơ của mình. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!