Tình trạng tê đầu ngón tay như kim châm, nóng rát khiến người bệnh vô cùng khó chịu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới những hoạt động thông thường. Vậy hiện tượng này xảy ra do đâu, là triệu chứng của bệnh gì và cách xử lý ra sao? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có lời giải đáp chính xác nhất.
Nội dung chính trong bài
Hiện tượng đầu ngón tay bị tê như kim châm
Tình trạng các đầu ngón tay bị tê khá phổ biến, ai cũng có thể gặp phải, gây cảm giác ngứa và giống như bị đầu kim chích nhẹ vào tay. Đây là vị trí tập trung rất nhiều các tế bào thần kinh, do đó vô cùng nhạy cảm. Đa số những người mắc hiện tượng này đều thấy tay trở nên mất sức, những hoạt động cầm, nắm… cũng vì thế mà gặp nhiều trở ngại.
Có những người chỉ đôi khi mới cảm thấy tê như kim châm, và hết sau thời gian ngắn. Tuy nhiên lại có những trường hợp tê đau liên tục, kéo dài, ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề vận động.
Thực tế, triệu chứng này nhìn chung không bị đánh giá là quá nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Tuy nhiên ở một mức độ nào đó người bệnh vẫn phải lưu tâm, không được coi thường và chủ quan, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
10 đầu ngón tay bị nóng rát
Đôi khi, hiện tượng tê đầu ngón tay như kim châm còn đi kèm cả tình trạng nóng rát. Những người thường xuyên phải sử dụng bàn phím máy tính hoặc người làm các công việc tác động nhiều tới đầu ngón tay sẽ có khả năng lớn mắc phải tình trạng này. Trong trường hợp đó người bệnh không cần quá lo lắng, chỉ cần nghỉ ngơi, điều chỉnh tần suất và thời gian làm việc là sẽ hết.
Ngoài ra, triệu chứng 10 đầu ngón tay bị nóng rát còn xảy ra do ảnh hưởng từ những chấn thương trước đó. Có thể kể tới bao gồm: Bị dập hoặc bật móng tay, vết cắt vào tay quá sâu, trật các khớp hoặc gãy xương ở ngón tay… Hầu hết các tai nạn kể trên đều tác động trực tiếp vào hệ thống dây thần kinh và gây ra những cảm giác khó chịu.
Yếu tố thời tiết cũng là một nguyên nhân thường gặp gây tê đầu ngón tay cái và các ngón trỏ. Khi thời tiết quá lạnh mà tay không được giữ ấm sẽ khiến cho vùng này trở nên tím tái hoặc trắng bệch, cứng lại đồng thời đau nhức, không thể vận động một cách linh hoạt.
Bên cạnh đó, nếu xuất hiện tình trạng tê như kim châm nóng rát xảy ra liên tục trong thời gian dài thì rất có thể người bệnh đang gặp phải một vấn đề hoặc bệnh lý nào khác. Để biết được chính xác nguyên do người bệnh hãy đi khám càng sớm càng tốt.
Triệu chứng tê đầu ngón tay là bệnh gì?
Như trên đã nói, triệu chứng có thể là dấu hiệu thường thấy của một số bệnh lý sau đây:
Tình trạng viêm khớp tay dạng thấp
Không chỉ tê đau, bệnh viêm khớp còn gây nóng rát, sưng đỏ ở các đầu ngón tay. Các khớp trở nên xơ cứng khiến khả năng vận động của tay gặp nhiều trở ngại, thậm chí khi không hoạt động gì cũng cảm thấy đau nhức. Triệu chứng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, thường nhiều nhất vào thời điểm thức dậy mỗi sáng.
Viêm đa dây thần kinh ngoại biên
Thông thường nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh lý này là chứng tiểu đường, bên cạnh đó còn do ảnh hưởng từ các chấn thương, rối loạn chuyển hóa, hiện tượng nhiễm trùng tay… Người bệnh có cảm giác tê các đầu ngón tay, ngứa ran, dần dần lan sang cả 2 cánh tay đồng thời các cơ trở nên yếu dần.
Hội chứng Raynaud
Bệnh lý này xảy ra tình trạng tê 10 đầu ngón tay khi những mạch máu nằm ở các ngón tay do gặp căng thẳng hoặc thời tiết quá lạnh dẫn tới hiện tượng co thắt. Từ đó máu bị giảm lưu lượng, không cung cấp đủ cho tế bào và các mô.
Thông thường, ngoài triệu chứng tê đầu ngón tay trỏ như kim châm, màu sắc da ở vùng này của người bệnh cũng có sự biến đổi bất thường từ hồng sang trắng sau đó lại thấy tím xanh. Ngón tay đôi khi thấy lạnh ngắt, tê rần, cảm giác ở tay không còn được ổn định. Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ hoại tử tay vô cùng nguy hiểm.
Hội chứng ống cổ tay
Đây là bệnh lý liên quan tới các dây thần kinh giữa nằm ở ống cổ tay khi gặp phải những vấn đề như tổn thương do chèn ép và xảy ra tắc nghẽn. Các ngón tay của người bệnh thường có cảm giác bị sưng phồng, đau, nóng rát và ngứa. Nguy hiểm hơn, người bệnh mất khả năng nhận thức được vị trí của tay, tê liệt và không cầm nắm được đồ vật.
Cách xử lý tê đầu ngón tay
Tình trạng tê các đầu ngón tay xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể từ tác động bên ngoài hoặc bệnh lý bên trong. Chính vì vậy, người bệnh nên chủ động đi khám bác sĩ chuyên khoa nếu thấy mãi không khỏi để được thăm khám, từ đó tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.
Để chẩn đoán được chính xác bệnh, ngoài việc kiểm tra trực tiếp tình trạng các đầu ngón tay thì bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm như chỉ số máu, chụp MRI… Thông thường, tùy theo bệnh lý và tình trạng tê đầu ngón tay giữa và các ngón xung quanh ở mức độ nặng nhẹ sẽ có những cách chữa khác nhau, bao gồm:
- Ngoại khoa can thiệp: Thường được chỉ định cho người bệnh mắc chứng ống cổ tay hoặc chuyển vị trí thần kinh trụ.
- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc Tây với công dụng giảm đau, chống viêm… tuyệt đối không được tự ý mua uống khi chưa được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn. Ngoài ra người bệnh có thể tham khảo thêm những bài thuốc Nam để điều trị với tính an toàn, hiếm khi xảy ra tác dụng phụ.
- Áp dụng vật lý trị liệu: Thường sử dụng cho bệnh nhân viêm khớp gây tê đầu ngón tay cái, đồng thời kết hợp phương pháp chườm nóng hoặc lạnh.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên thay đổi một số thói quen trong lối sống sinh hoạt hàng ngày để ngăn ngừa tình trạng diễn biến nặng hơn.
- Đối với những người thường xuyên phải sử dụng bàn phím máy tính hay các thiết bị tác động nhiều đến đầu ngón tay cần có tư thế đúng, đồng thời không làm liên tục mà sau mỗi 30 phút – 1h nên để tay nghỉ ngơi 1 – 2 phút.
- Khi bị tê đầu ngón tay cái, trỏ, giữa người bệnh cần nên nận động thường xuyên, có thể áp dụng một số bài tập nhẹ nhàng dành cho tay như: Duỗi ngón tay, xoay cổ tay… để làm giảm các áp lực.
- Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Tránh xa các chất kích thích.
- Không nên để đầu óc quá stress, mệt mỏi, nên cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi.
- Lưu ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là 2 tay mỗi khi thời tiết chuyển lạnh.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đây về tình trạng tê đầu ngón tay như kim châm nóng rát sẽ hữu ích đối với bạn đọc. Để biết chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị kịp thời dứt điểm, người bệnh nên nhanh chóng tới khám bác sĩ nếu thấy triệu chứng này kéo dài đồng thời cơ thể xuất hiện những biểu hiện bất thường.