Viêm phổi kẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Vậy bệnh có chữa được không, gồm những loại nào và cách chẩn đoán ra sao? Hãy cùng theo dõi bài viết của chúng tôi để làm sáng tỏ vấn đề này.
Nội dung chính trong bài
Viêm phổi kẽ chữa được không?
Theo thống kế của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay khoảng 8% dân số toàn cầu mắc bệnh phổi kẽ. Trong số đó, tỷ lệ tử vong khoảng 2% và tỷ lệ biến chứng thành ung thư phổi chiếm 4%. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là người nghèo, người làm việc trong các hầm mỏ, nhiều khói bụi, hơi khí độc, những nơi có chất lượng không khí kém, đồ phòng hộ không được trang bị hoặc rất sơ sài.
Viêm phổi kẽ xảy ra do các kẽ phổi bị tổn thương, giảm khả năng hô hấp và cung cấp oxy cho máu. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách sẽ để lại sẹo và dễ dẫn đến một số biến chứng như xơ phổi, xơ nang và ung thư phổi.
Nhiều trường hợp không điều trị sớm hoặc bệnh đã ở giai đoạn nặng sẽ rơi vào tình trạng thiếu oxy máu, tăng huyết áp ở phổi, suy tim, suy hô hấp và tử vong.
Bệnh phổi kẽ có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng tương đối phức tạp, tỷ lệ điều trị thành công tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh, tình trạng tổn thương ở phổi và sự phát triển của mô sẹo. Hơn nữa, nếu đã để lại sẹo ở nhu mô phổi thì khả năng hồi phục hoàn toàn rất ít khi xảy ra.
Nếu bệnh để lâu không chữa sẽ chuyển sang giai đoạn viêm cấp tính và tổn thương không hồi phục, lúc này khả năng chữa khỏi rất thấp. Thêm vào đó, bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra và chủ yếu các trường hợp mắc bệnh không xác định được căn nguyên nên càng khó khăn cho công tác chẩn đoán và điều trị.
Tính đến thời điểm hiện tại, viêm phổi kẽ chưa có thuốc đặc hiệu mà chỉ có các biện pháp giảm triệu chứng, hỗ trợ hô hấp, tập phục hồi chức năng. Các loại thuốc mới và phác đồ điều trị vẫn đang được thử nghiệm để chứng minh hiệu quả trước khi đưa vào sử dụng.
Khi tiến hành điều trị, các loại thuốc chống viêm corticosteroid thường được sử dụng nhưng lại khó phát huy được hiệu quả khi đã xuất hiện tình trạng xơ hóa phổi. Bên cạnh đó, thuốc làm giảm tổn thương, giảm hình thành mô sẹo ở phế nang (ví dụ acetylcystein) và thuốc kìm hãm sự phát triển của mô sẹo (ví dụ anti-fibrotic) cũng thường được sử dụng.
Phân loại viêm phổi kẽ
Có nhiều cách phân loại bệnh phổi kẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh và hình ảnh thu được trên các phương pháp cận lâm sàng. Dựa theo nguyên nhân gây bệnh, nó có thể chia thành:
- Do hít phải các chất vô cơ và hữu cơ: Ví dụ như Berylliosis, Asbestosis, bệnh bụi phổi silic, bệnh bụi phổi than, bụi phổi amiăng, bụi phổi kim loại nặng, bệnh phổi tăng cảm.
- Do thuốc: Một số loại thuốc khớp, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc chống co giật, thuốc điều trị bệnh tim, một số thuốc an thần, hóa chất và bức xạ trị liệu ung thư, nhóm statin cũng là nguyên nhân gây bệnh.
- Do nhiễm trùng: Viêm phổi kẽ do nấm pneumocystis, virus hợp bào hô hấp, virus lao phổi, HIV/AIDS.
- Do bệnh ác tính: Viêm bạch mạch ung thư.
- Do bệnh của các tổ chức liên kết: Viêm bì thần kinh, viêm đa rễ thần kinh, viêm cơ bì, lupus ban đỏ hệ thống, xơ hệ thống, thấp khớp.
- Do di truyền: Một số trường hợp nếu có người trong nhà mắc bệnh này thì bạn cũng có nguy cơ cao hơn.
- Không rõ nguyên nhân: Xơ phổi vô căn, Sarcoidosis, hội chứng Hamman – Rich, xơ phổi gia đình, viêm phổi cộng đồng…
Dựa theo hình ảnh chụp cắt lớp vi tính và X-quang chia thành 4 loại:
- Đường mờ: Quan sát phim chụp X-quang thấy bốn đường Kerley do vách liên thùy và tiểu thùy bị phù nề tạo thành. Nguyên nhân thường thấy nhất trong trường hợp này là tăng áp lực tĩnh mạch phổi gây phù phổi ở những bệnh nhân hẹp van hai lá, u lympho ác tính, viêm bạch mạch ung thư, sarcoidosis, xơ phổi vô căn.
- Hình lưới: Viêm phổi kẽ hình lưới gặp ở những người xơ phổi giai đoạn cuối, các đường xơ hóa kết hợp chằng chịt tạo nên hình ảnh mạng lưới. Các đường xơ hóa này tập trung nhiều ở đáy phổi và dưới màng phổi tạo nên hình ảnh tổ ong trên phim chụp.
- Nốt: Xuất hiện nhiều nốt mờ lấm tấm với đường kính dao động từ 1mm – 1cm.
- Hình lưới nốt: Bác sĩ căn cứ vào hình ảnh lưới và nốt trên phim chụp để đưa ra các phương án chẩn đoán khác nhau.
Cách chẩn đoán viêm phổi kẽ
Người ta có thể chẩn đoán bệnh phổi dựa trên các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp cắt lớp CT Scan, chụp X-quang, chụp CT phân tử cao, test thử nghiệm chức năng thông khí của phổi.
- Chụp X-quang phổi: Kết quả chụp của bệnh nhân có thể bình thường, khoảng 10% có thể nhìn thấy các tổn thương tổ ong, kính mờ, nốt, lưới hoặc cả hai. Phương pháp này cho phép quan sát được các nếp nhăn xuất hiện ở phổi.
- Chụp CT Scan: Hình ảnh chụp CT viêm phổi kẽ giúp bác sĩ quan sát được các cấu trúc xung quanh và hình ảnh chi tiết của nhu mô phổi.
- Chụp CT phân tử cao: Phương pháp này cho hình ảnh chất lượng hơn nhờ tính năng điều chỉnh độ phân giải của máy.
- Kiểm tra chức năng phổi: Người bệnh phổi kẽ thường thu được kết quả có rối loạn thông khí hạn chế và một số trường hợp có rối loạn thông khí tắc nghẽn, khí máu có thể bình thường hoặc giảm oxy, kiềm hô hấp có thể có hoặc không.
- Sinh thiết phổi: Bao gồm sinh thiết qua nội soi phế quản, sinh thiết phổi mở, và sinh thiết bằng cách nội soi qua lồng ngực. Hai phương pháp sau cho kết quả chính xác và có giá trị hơn. Các mảng sinh thiết đóng vai trò quan trọng giúp bác sĩ phân tích đặc điểm, tình hình mô bệnh từ đó đưa ra chẩn đoán xác định.
- Xét nghiệm: Người bệnh viêm phổi kẽ có thể được chỉ định xét nghiệm máu, phân tích nước tiêu, kiểm tra HIV/AIDS, xét nghiệm kháng thể để tìm bệnh tự miễn nếu nghi ngờ…
Bên cạnh đó, các bác sĩ còn chẩn đoán bệnh dựa trên:
- Thăm khám như nghe các dấu hiệu ở phổi như ran ẩm nhỏ hạt, ran nổ ở đáy phổi.
- Quan sát các dấu hiệu khác như bệnh lý tim mạch, các biểu hiện của suy hô hấp, xương khớp, da, ngón tay dùi trống, phù chân…
- Theo dõi các triệu chứng lâm sàng của người bệnh: ho, khó thở, đau ngực, thở rít, đau nhức cơ, xương, sốt, mệt mỏi, nhạy cảm ánh sáng, phù, khô miệng, khô mắt… và khai thác các yếu tố khác như nghề nghiệp, bệnh lý kèm theo, lối sống và sinh hoạt…
Bài viết đã cung cấp những thông tin cơ bản về bệnh viêm phổi kẽ. Hy vọng sau khi đọc bài viết này, các bạn có thể vận dụng để nâng cao cảnh giác, dự phòng và sàng lọc sớm bệnh này.