Nước lá vối là một loại nước dân dã, thơm ngon và có tác dụng giải nhiệt vào những ngày hè rất tốt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lo ngại rằng “uống nước vối hại thận không và cách uống như thế nào thì tốt?” Hãy cùng giải đáp thắc mắc này trong bài viết sau.
Nội dung chính trong bài
Uống nước vối hại thận không?
Theo YHCT, tất cả các bộ phận của cây vối từ thân, lá, nụ đều được làm thuốc chữa bệnh. Trong đó, lá vối lá bộ phận được sử dụng phổ biến nhất.
Ta có thể dùng lá vối tươi sắc nước đặc để điều trị mụn nhọt, lở ngứa, ghẻ… vì nó có tính sát trùng cao. Nụ hoặc lá vối ủ, phơi khô được hãm như trà để uống với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Theo đó, trong lá vối, nụ vối có chứa một lượng lớn chất tanin, nhiều khoáng chất, vitamin, tinh dầu, một số chất có vai trò như một chất kháng sinh tự nhiên.
Có người lo sợ rằng uống nước vối hại thận nhưng đây là lo lắng không có cơ sở và chưa có một tài liệu khoa học nào chứng minh điều này.
Hơn nữa, trong đề tài nghiên cứu khoa học mang tên “Bước đầu nghiên cứu tác dụng điều trị sỏi đường tiết niệu bằng nước hãm nụ vối” của PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (Bệnh viện 103 – Học viện Quân y) đã chỉ ra rằng nước vối còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận. Theo đó, 46 bệnh nhân có sỏi thận được uống nước nụ vối khô liên tục trong 6 tháng đã có dấu hiệu tiêu sỏi và kích thước các viên sỏi giảm đáng kể.
Như vậy, có thể khẳng định rằng uống nước vối không hề hại thận mà ngược lại rất tốt cho thận vì nó có khả năng hỗ trợ quá trình thận đào thải độc tố. Ngoài ra, qua các tài liệu y học cổ truyền, ta còn có thể thấy nhiều tác dụng tuyệt vời khác của nước lá vối như:
- Trong cuốn “thuốc và sức khỏe” đã chỉ ra tác dụng kiện tỳ, hỗ trợ tiêu hóa, kích thích tiêu hóa của lá vối. Ngoài ra, chất tanin trong lá vối có tác dụng tạo ra một hàng rào bảo vệ niêm mạc ruột, ngăn ngừa các vi khuẩn gây hại. Ngoài ra, lá vối còn có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị viêm gan, bệnh vàng da, chữa bỏng và viêm da.
- Lá vối có tác dụng giải khát, lợi tiểu, mát gan và nước vối loãng khi uống thường xuyên còn tốt hơn nước lọc. Bởi lẽ cùng một lượng nước uống vào, nhưng sau khoảng 30-40 phút cơ thể sẽ đào thải hết nước lọc, trong khi đó nước lá vối thì chỉ bị thải ⅕ và số nước còn lại được thải ra từ từ sau đó.
- Viện Dinh dưỡng Việt Nam phối hợp với Đại học Phụ nữ Nhật Bản đã công bố các tác dụng của nụ vối trong điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường, ổn định đường huyết, giảm mỡ máu, ngăn ngừa sự tổn thương xảy ra với các tế bào beta tuyến tụy, chống oxy hóa và phòng ngừa chứng đục thủy tinh thể ở người bị đái tháo đường cùng các biến chứng khác của bệnh.
- Lá vối khi được kết hợp với các loại lá thuốc khác sẽ có tác dụng điều trị chứng đau bụng, đi ngoài, đầy bụng, khó tiêu, viêm đại tràng mãn tính,…
- Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng (Hội các ngành sinh học Việt Nam), lá vối có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gút. Sở dĩ như vậy vì khi uống nước vối sau khi ăn sẽ giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Đối với bệnh nhân gút thì việc tiêu hóa các thức ăn chứa nhiều chất béo, đạm, ngọt… có ý nghĩa rất lớn tới việc hạn chế ứ đọng acid uric – nguyên nhân gây ra bệnh gút.
Uống nước vối để qua đêm có được không?
Nhiều người nghi ngại rằng uống nước vối để qua đêm có được không? Không giống như nước trà (chè), nước lá vối có thể để được khá lâu và có thể để qua đêm mà vẫn uống được. Nguyên nhân là trong vối có chất kháng khuẩn giúp hạn chế vi khuẩn làm hỏng nước vối.
Trường hợp pha một ấm nước vối nhưng không uống hết thì bạn nên bảo quản trong tủ lạnh để tránh bị thiu, ngày hôm sau có thể dùng lại bình thường mà không lo bị đau bụng hay gì cả.
Tuy nhiên, trước khi uống nước vối để qua đêm thì bạn nên để ý xem nước có mùi lạ không. Nếu nước có mùi lạ thì không nên uống và đổ đi vì đã bị thiu. Đồng thời, bạn hãm nước mới để uống.
Uống nước vối đúng cách
Theo Hội Đông y Việt Nam, mặc dù lá vối khá lành tính và có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe nhưng không vì thế mà nên lạm dụng, uống quá nhiều thành “lợi bất cập hại”.
Theo đó, nếu dùng để uống thay nước lọc thì chỉ nên dùng một nắm lá nhỏ đun loãng với 1,5 lít nước. Nên uống thành nhiều thời điểm trong ngày. Nếu dùng để hỗ trợ điều trị thì cũng không uống quá 1 ly nước lá vối đặc/ngày vì nếu uống quá nhiều sẽ không có lợi cho hệ bài tiết.
Ngoài ra, không nên uống nước lá vối lúc đói vì nó kích thích tiêu hóa và làm tăng nhu động ruột, khiến cho ruột gan cồn cào, khó chịu. Sau khi ăn cũng không nên uống nước vối quá đặc vì nó có thể cản trở quá trình hấp thu dưỡng chất của cơ thể.
Những người không nên uống nước lá vối:
- Những người quá gầy, cơ thể suy nhược không nên uống nước lá vối và nụ vối. Bởi lẽ, nước lá vối có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu, có khả năng làm tiêu hao năng lượng, giúp giảm cân nên người gầy muốn tăng cân thì không nên uống.
- Phụ nữ có thai cần cẩn thận khi uống nước lá vối. Theo đó, phụ nữ có thai tránh dùng nước lá vối đặc vì nó có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, trong khi đó uống quá nhiều nước vối loãng thì lại làm ảnh hưởng đến nước ối.
- Trẻ em không nên cho uống nước lá vối.
- Nên dùng nước lá hãm từ lá vối khô hoặc nụ vối thay cho lá tươi nếu muốn uống hàng ngày. Trong lá vối tươi có chứa nhiều chất kháng khuẩn, diệp lục cùng nhiều hoạt chất có tác dụng như kháng sinh nên ít nhiều sẽ tiêu diệt cả những lợi khuẩn đường ruột, làm hao huyết.
- Uống nước lá vối sau bữa ăn ít nhất 30 phút để quá trình tiêu hóa thuận lợi nhất.
- Người đang điều trị bệnh, đang dùng các loại thuốc tây nếu muốn uống nước lá vối thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Trên đây là những thông tin làm sáng tỏ nghi vấn “uống nước vối hại thận”. Xin nhắc lại, uống nước lá vối không hề gây hại thận như đồn đoán và chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh nghi ngờ trên là đúng. Vì thế, bạn hãy dùng nước lá vối đúng cách để tận dụng những tác dụng tuyệt vời của loại lá này.